Làn sóng du lịch tàu biển
 
Triển vọng toàn cầu

Lịch sử của ngành du lịch tàu biển bắt đầu từ cách đây hơn 170 năm, khi Peninsular and Oriental Steam Navigation Company, công ty kinh doanh dịch vụ hàng hải lâu đời nhất thế giới, giới thiệu các chuyến du lịch khởi hành từ Southampton đến Gibraltar, Malta, Athens với mục đích nghỉ ngơi và thư giãn, thay vì chỉ vận chuyển thư từ hay hàng hóa. Từ cột mốc đó, du lịch tàu biển ngày nay trở thành một phần không thể tách rời của nền du lịch toàn cầu, với các vùng hoạt động truyền thống là Caribbean, Địa Trung Hải, vùng biển Alaska và nhiều con sông lớn trên thế giới.

 


 
Cùng với sự phát triển này, tàu biển cũng dần được thiết kế và hoàn thiện ngày càng giống một khách sạn nổi, với khả năng chuyên chở hàng ngàn hành khách và tích hợp các tiện ích đáng kinh ngạc như sòng bạc, rạp chiếu phim, hay thậm chí là khu vực leo núi và trượt băng, giúp hành khách tận hưởng niềm vui trọn vẹn trong suốt lộ trình dài ngày vượt Đại Tây Dương. Gần đây, thị trường màu mỡ này thậm chí còn thu hút những nhà điều hành khách sạn giàu kinh nghiệm như Mövenpick Hotels & Resorts, vốn đang sở hữu một đội du thuyền trên sông Nile; và nhiều công ty hoạt động chuyên biệt trong lĩnh vực khách sạn như The Ritz-Carlton Hotel Company (dự kiến sẽ hạ thủy các du thuyền mang thương hiệu The Ritz-Carlton Yacht Collection vào năm 2019).

Đông Nam Á sôi động

Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á được thiên nhiên ưu ái nhiều bãi biển với bờ cát mịn màng và những hòn đảo tuyệt đẹp, phong cảnh biển ngoạn mục, nền văn hóa phong phú và ẩm thực hấp dẫn. Vì lẽ đó, khu vực này đã chào đón tàu du lịch từ những năm 1970 và hiện đang nổi lên như một đối thủ của nhiều vùng du lịch biển truyền thống. Bên cạnh các hòn đảo và điểm đến có thể tiếp cận bằng đường biển, lại nằm khá gần nhau giống như tại các vùng cạnh tranh khác, Đông Nam Á còn có nhiều thành phố lớn mà tàu biển dễ dàng tiếp cận như Jakarta, Manila, Kuala Lumpur, Bangkok, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Singapore. Trong đó, phần lớn các hải trình thuộc phạm vi khu vực này đều kéo dài dưới năm ngày để đáp ứng nhu cầu của du khách châu Á, những người thường dành thời gian du lịch ngắn hơn so với các quốc gia Bắc Mỹ hoặc châu Âu, vốn ưa thích các chuyến đi kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.

 


 
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới vào năm 2016, các cảng biển ở Đông Nam Á phục vụ đến 45% tổng số lượt tàu quá cảnh tại châu Á, cung cấp bến neo đậu cho nhiều tàu du lịch khởi hành từ Tokyo, Sydney và Freemantle (Australia), Singapore và Hồng Kông. Trong đó, Singapore là cảng chính với tuyến vận tải biển có tần suất hoạt động lớn nhất tại khu vực ASEAN nhờ cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới, trong khi Thái Lan và Việt Nam tiếp tục là những cảng quá cảnh được ưa chuộng trong khu vực kể từ những năm 1990. Theo dự báo, trong tương lai gần, Bangkok (Laem Chabang) tại Thái Lan, Kota Kinabalu và Penang tại Malaysia có thể hoạt động như các cảng trung chuyển của Đông Nam Á sau khi nâng cấp dịch vụ vận chuyển, hậu cần và các tuyến vận tải. Trong khi đó, Bali hiện đang là một điểm trung gian với bốn cảng quá cảnh, có thể được bổ sung vào danh sách cảng trung chuyển của nhiều tuyến tàu nói trên. Trong ba đến năm năm tới, nhu cầu gia tăng từ thị trường Trung Quốc và Australia sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch tàu biển tại Đông Nam Á, với số lượng các hải trình mới dự kiến được phát triển thêm vào những mùa thấp điểm của khu vực Caribbean và Địa Trung Hải.

Việt Nam: Cơ hội hay thách thức?

Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng để vươn lên thành một trung tâm du lịch tàu biển của khu vực, thay vì chỉ là một điểm đến quá cảnh như thời điểm hiện tại. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế ấn tượng, sự ổn định về chính trị và đặc biệt là đường bờ biển hơn 3.200km trải dài từ Bắc vào Nam, quốc gia này là nơi có nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận hơn so với các quốc gia còn lại ở Đông Nam Á, kết hợp với những đô thị được quốc tế hóa, cảnh quan độc đáo và lịch sử gắn với thời kỳ thuộc địa. Năm 2017, Việt Nam thu hút gần 13 triệu khách quốc tế, trong đó 258.836 lượt khách quốc tế tới bằng tàu biển. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh vào năm 2020, khi du lịch tàu biển chuyển hướng dần sang khu vực Đông Á.

 

 
Nằm gần các trung tâm du lịch tàu biển của châu Á bao gồm Thượng Hải, Hồng Kông và Singapore, lại liền kề các thị trường đang tăng trưởng gồm ASEAN và Trung Quốc, Việt Nam hưởng lợi từ việc đón các tàu du lịch liên khu vực qua Đông Nam Á tại các cảng nước sâu như Thị Vải - Cái Mép và Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Hạ Long (Quảng Ninh), và Cam Ranh (Khánh Hòa). Việt Nam là điểm đến quen thuộc của các hành trình kéo dài 3 - 7 đêm từ Singapore, 3 - 6 đêm từ Hồng Kông và 8 - 12 đêm từ Thượng Hải, cũng như các tuyến du lịch Nhật Bản - ASEAN kéo dài từ 20 ngày đến một tháng. Trong những hải trình mà chủ yếu được tổ chức bởi các công ty du lịch tàu biển lớn nhất thế giới như Royal Caribbean International, Star Cruises, Costa Crociere S.p.A, Việt Nam đều mang lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách. Theo đó, du khách có thể dễ dàng xuất phát từ thành phố Đà Nẵng để khám phá đồng bằng sông Cửu Long qua thành phố Hồ Chí Minh ở miền Nam; đắm mình trong các di sản của phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn và cố đô Huế ở miền Trung; hoặc ngắm nhìn phong cảnh vịnh Hạ Long sau khi khám phá thủ đô Hà Nội ở miền Bắc.

 


 
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch trong những năm gần đây, các điểm đến tại Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp phụ trợ thiếu thốn và được quy hoạch không đồng đều. Cụ thể, các điểm du lịch đang phải giải quyết vấn đề quản lý rác thải và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trong khi cơ sở hạ tầng được phát triển thêm lại chưa phù hợp với di sản kiến trúc truyền thống, điển hình như trường hợp phố cổ Hội An. Nếu tình trạng này diễn ra tại nhiều điểm du lịch trên một lộ trình, và các công ty du lịch tàu biển có thể dễ dàng chuyển hướng sang các điểm đến khác cũng thuộc lộ trình đó hoặc các bến cảng khác tại Việt Nam, thì các điểm du lịch bị rời bỏ lại phải đối mặt với suy thoái môi trường và thiệt hại kinh tế đáng kể trong toàn chuỗi giá trị, khi mà cơ sở hạ tầng phải đầu tư tốn kém nhưng không được sử dụng. Năm 2016, Tổ chức Du lịch thế giới đã từng đưa ra cảnh báo về tình trạng dư thừa nguồn cung và chồng chéo trong việc phát triển các cảng biển và cơ sở hạ tầng cảng tại Việt Nam, điều này có thể là nguy cơ đối với sự phát triển bền vững của các điểm đến có liên quan. Điển hình là việc cảng Chân Mây và Tiên Sa nằm gần thành phố Đà Nẵng, dù chỉ cách nhau hơn 50km nhưng đều được quy hoạch để tiếp nhận các tàu du lịch có cùng trọng tải (tối đa 100.000 GRT). Trong khi đó, hầu hết các cảng biển trên khắp Việt Nam đều chưa có bến cảng du lịch và bến cảng hàng hóa riêng biệt, đồng thời phải dùng tàu nhỏ chuyển hành khách từ tàu lớn vào bờ, trong khi vẫn tiếp tục thiếu vắng các tiện ích đa dạng tại bến cảng.

Nhìn về tương lai tươi sáng

Trong khi Việt Nam đang nỗ lực tìm hướng đi đúng đắn cho du lịch tàu biển, ngành có thể tạo ra doanh thu cao hơn 30 - 40% so với loại hình du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ, bối cảnh toàn cầu tích cực cùng sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch nói chung trong khu vực tiếp tục tạo ra triển vọng tươi sáng cho Việt Nam, nhưng cũng đặt ra thách thức không thể phủ nhận về mặt chính sách, quy hoạch và phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm. Trong nỗ lực nhằm tận dụng tối đa tiềm năng phát triển hiện có, Việt Nam dự kiến phát triển hệ thống cảng biển tới năm 2020 với tâm điểm là các cảng có khả năng tiếp nhận tàu du lịch trọng tải 100.000 GRT, nhằm thu hút thêm nhiều tàu khách quốc tế và khu vực.

 

Bài viết: Rubix Navigation
Ảnh: Internet
Thiết kế: Rubix Navigation
Tư vấn chuyên môn: Reno Mueller
08/08/2018